Có bao nhiêu đem hết cho người…

[ad_1]

GN – Thành lập năm 2005 đến năm 2007, Mái ấm tình thương Hưng Phước
Thành, ở ấp Mỹ Phước 1, xã Mỹ Quí, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) đã là đơn vị được
chọn tham dự hội nghị điển hình toàn quốc về công tác chăm sóc người già neo
đơn, người khuyết tật tổ chức tại Hà Nội.

Chủ
nhân mái ấm – bà Bùi Thị Nguyệt Nga (Chín Nga) – pháp danh Diệu Quang, sinh năm
1949, người phụ nữ nông dân Nam Bộ chất phác, hiền lành đã tích góp mấy mươi
năm làm ruộng để mua thêm đất, tự lo kinh phí xây dựng nhà dưỡng lão và thuê
người nấu nướng, phục vụ. Hiện nay, mái ấm của bà Nga đã và đang cưu mang hơn
30 mảnh đời lang thang cơ nhỡ trong và ngoài tỉnh …




Tâm nguyện
của cha …



Nga cởi mở cho biết: “Cha mẹ tôi là nông dân nghèo, đông con, có những mùa lúa
bán xong không đủ tiền lo thuốc cho cha. Lớn lên, anh chị em tôi lập gia thất
và ra riêng sinh sống. Cha mẹ dè sẻn mua thêm đất chia cho các con trước khi
qua đời. Tôi sống độc thân phụng dưỡng cha mẹ. Trước khi ba tôi mất vài tháng,
tôi nghe ông tâm sự với mấy người bạn già tới thăm, rằng ông muốn có một nhà
tình thương để người già, bệnh tật, neo đơn hay người nghèo khổ đến ở và cùng
nhau niệm Phật”.


Sẵn
tích lũy được một ít, bà Nga càng quyết tâm thực hiện mong ước của cha. Vậy là
hơn 7 năm làm lụng cật lực, bà dành dụm mua được 20 công ruộng. Riêng miếng ruộng
6 công cha mẹ để lại, bà cho mướn 60 triệu đồng/năm. Cùng sự khích lệ và hỗ trợ
nhiệt tình của ông Lê Quang Hiền, một bác sĩ giàu y đức ở cùng xóm, năm 2005,
mái ấm với khu nhà cấp bốn nhiều phòng được khởi công và đi vào sử dụng.

ANH C (1).JPG
Bà Chín Nga và những cụ được bà cưu mang ở mái ấm

Những
nhà hảo tâm có dịp đến mái ấm thường nghe lời tâm sự của bà: “Đời người đâu ai
muốn mình khổ. Tôi cũng một đời chắt chiu công sức, có bao nhiêu đem cho hết
người nghèo. Tôi nghĩ đó là công đức mà mình có thể đem theo khi từ biệt cõi đời”.


Hiệu quả
lòng từ …


Tháng
10-2015, chị em thiện nguyện ở TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp đã đưa ông Nguyễn Hùng
Dũng, sinh năm 1951 ngụ cùng quê Sa Đéc đến nhờ bà Nga cho tá túc. Cuộc đời ông
cũng nhiều bất hạnh, lại tội ghiền rượu nặng đến nỗi bỏ con trai 2 tuổi té sông,
chết đuối. Đau buồn vì mất con mà chồng cứ bê tha ăn nhậu nên vợ ông “đi bước nữa”.
Tuổi về chiều tứ cố vô thân, anh em dòng họ “bè ai nấy chống” nên ông Dũng say
sưa, “thả trôi” mình rày đây mai đó. Nhiều lần bị ngộ độc rượu, ói máu suýt chết…


Giờ đây, ông Dũng về thăm nhà, bà con dòng họ đều ngạc nhiên và vui mừng khi thấy
ông điềm đạm, tươi tỉnh. Ông chia sẻ: “Cô Nga cho ăn uống ngày 3 bữa. Trưa ngủ
dậy còn có chè, chuối chưng, bữa thì trái cây. Tôi thấy đời mình được vậy là hạnh
phúc, không còn chỗ nào tốt hơn nơi này nữa”.


Tháng
9-2015, chị Hồ Mỹ Thanh, sinh năm 1966, ngụ xã An Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng
Tháp đến mái ấm phụ giúp công việc lặt vặt tiện thể cận kề người chị bị bệnh
tai biến. Chị Thanh cho biết, bà Nga ít khi nghỉ trưa. Lúc mọi người ngủ, bà cứ
lục đục dọn dẹp, may áo gối, vá mùng mền, quần áo cho các cụ. Ở đây, ai cũng khổ
nên nghe lời bà khuyên, mọi người an ủi nhau lúc xế chiều, giúp nhau như anh em
một nhà.


Khi
mái ấm mới nhận nuôi khoảng hơn mười cụ, người dân chợ xã Mỹ Quí đã cầu cứu bà
Chín Nga lãnh giùm một người đàn ông khoảng 60 tuổi không rõ từ đâu đến. Ăn mặc
lếch thếch, nói năng ngọng nghịu, ngày ngày bám chợ xin ăn, tối ngủ các sạp, quầy.
Bà Nga liền đưa ông về tắm rửa, cho thay đồ lành lặn và sắp xếp cho ông một
phòng riêng. Sau đó, đưa ông vào bệnh viện huyện khám và chữa trị căn bệnh nhũn
não…



Bà Chín Nga cho biết: “Lúc
đó, vàng 600 ngàn đồng/chỉ mà tôi đã thuê người chăm sóc ổng 1 triệu đồng/tháng.
Hơn một năm sau, ổng lành mạnh, tỉnh táo nhưng nghễnh ngãng, nói không nghe được
nên cũng không ai biết ổng tên gì, quê quán ở đâu. Mấy ông ở chung thấy ổng
không nói, cứ chắp tay sau đít đi tới đi lui nên đặt ổng tên Nguyễn Bảo Vệ. Những
cái tên ông Vệ, bà Lượm hay ông Rớt do mấy ổng tự đặt với nhau, nghe quê mùa vậy
nhưng nó làm cho tình người nơi đây thêm thân tình, ấm áp .”

[ad_2]

— Đăng bởi HH —