Chuyện về những đứa trẻ thơ sống nhờ cửa Phật

[ad_1]

GN – Chúng tôi đến thăm một ngôi chùa nghèo đang cưu mang những đứa
trẻ “đẻ rơi” từ vài tháng tuổi đến 14 tuổi. Sư cô trụ trì chùa Phước Tường
(thôn Phước Điền, xã Phước Đồng, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cho biết, có bé
về chùa rốn còn nguyên cuống nhau tươi, có bé được phát hiện trong đêm ngay giữa
sân chùa, cân nặng chỉ 8 lạng, có bé người dân tộc thiểu số Raglai, hình dáng
như “người rừng”…

Nhưng điều
làm chúng tôi vui mừng, cảm phục bởi nhờ tấm lòng từ bi của các sư cô trong
chùa, các bé được nuôi dạy đều lớn khôn, khỏe mạnh, xinh xắn,

được đi học và rất chăm ngoan.


Những đứa
trẻ lạc mẹ


Chùa Phước Tường
với dạng nhà cấp 4, mái lợp tôn, rộng khoảng 1.000m2, tọa lạc tại
thôn Phước Điền, xã Phước Đồng, TP.Nha Trang do SC.Thích nữ Thông Cát (48 tuổi)
đảm nhiệm trụ trì.

Cong.JPG
Dù “lạc mẹ” các bé vẫn được yêu thương, chăm sóc – Ảnh: C.Thi


Những người cộng
sự của Sư cô kể rằng, Sư cô trụ trì sinh ra và lớn lên tại thành phố biển Nha
Trang, tuổi thơ gắn bó với những ngư dân phường Vĩnh Phước thật thà, yêu lao động.
Tuy nhiên, nhờ nhân duyên với Phật pháp, nên cô bé làng biển đã xuất gia tu tập
từ lúc 12 tuổi.

Trên 10 năm về trụ trì chùa Phước Tường cùng với 4 cộng sự của
mình, Sư cô cứ đau đáu trong lòng bởi những đứa trẻ mồ côi cha mẹ, hay bị bỏ
rơi khắp nơi, mỗi bé lạc ba mẹ ấy có hoàn cảnh khác nhau đến thương tâm. 13
cháu đang được nhà chùa cưu mang đều là trẻ mồ côi. Những đứa trẻ vô tội này
sinh ra trong nhiều hoàn cảnh vô cùng cay đắng.


Tiếp chúng
tôi khi đang chăm sóc một bé gái 14 tháng tuổi, đôi mắt rưng rưng, Sư cô chia sẻ:
“Bé này tôi đặt tên là Lê Phúc Bảo Trân, mẹ bé sinh bé ra rồi bỏ vào túi
ni-lông màu đen mang để trước cổng một ngôi chùa cùng xã. Chính quyền địa
phương đề nghị chúng tôi đem cháu về cưu mang. Tiếp nhận bé mà tôi bàng hoàng
trong dạ, bởi rốn bé còn nguyên cuống nhau tươi. Chúng tôi phải cấp tốc nhờ đến
sự giúp đỡ của nữ hộ sinh, điều dưỡng ở khoa Sản (Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa). Đến
nay, bé phát triển khá tốt, khỏe mạnh và rất hiếu động”.


… và hành
trình yêu thương


Bỗng một bé
gái khác chạy tới, Sư cô lại kéo bé ôm vào lòng. Bé là Lê Phúc Bảo Liên, 6 tuổi,
xinh xắn và ngoan ngoãn. Sư cô kể, ngày bé về chùa, hình dáng chỉ bằng cái chai
bia (cân được 8 lạng). Bé được phát hiện lúc Sư cô ra sân chùa thắp nhang thì
bàng hoàng thấy bé được quấn lại bằng chiếc khăn tắm. Thật may, nếu như đêm đó
bé không được phát hiện thì chắc rằng bé sẽ không sống nổi.


Một bất ngờ
khác, đó là cô bé Mấu Thị Ni, 9 tuổi, người Raglai ở huyện Khánh Sơn, cha mẹ đều
chết vì mắc căn bệnh hiểm nghèo. Tôi biết bé Ni từ năm 2013, lúc ấy bé 7 tuổi
và được đưa về chùa Phú Quang (ở Ninh Hòa).

Tại đây, SC.Thích nữ Diệu An, trụ
trì chùa thấy sức khỏe bé rất yếu, suốt ngày kêu khóc rất to nhưng bé lại không
thể nghe và nói được tiếng Kinh. Sư cô cấp tốc đưa bé đi khám bệnh và phát hiện
bị hẹp van tim, tràn dịch màng phổi, bụng to do giun đũa. Các bác sĩ đã phải mổ
gấp để cứu cháu, rồi nhà chùa tiếp tục đưa bé đi TP.HCM để khám tổng quát và phẫu
thuật mắt (bé bị đục thủy tinh thể)…

Tuy bé có bảo hiểm y tế, có giấy xác nhận
hộ nghèo nhưng do nhiều khoản chi phí ngoài danh mục, chùa vẫn cố gắng huy động
mọi nguồn đóng góp để điều trị đa bệnh: mổ tim, mổ mắt, bệnh phổi cho bé.


Kể về quá
trình chăm sóc cho bé Mấu Thị Ni, SC.Thích nữ Diệu Như, chùa Phú Quang chia sẻ:
“Những ngày đầu rất vất vả, bé hiếu động, giãy giụa chân tay liên tục, ngủ rất
ít, bế bé cũng khó. Bé Ni không chủ động được việc đi vệ sinh, khi đói là hét
và khóc rất lớn, mỗi lần cho ăn phải mất từ 2 đến 3 giờ liền”. Hiện nay, bé Ni
đang được nuôi dưỡng ở chùa Phước Tường, tuy bé có làn da đen cháy, nhưng cứ
thích ra nắng nằm, ăn lại khỏe nhưng vẫn còn phải “đóng bỉm” vì vẫn chưa chủ động
được vấn đề vệ sinh… và đôi mắt bé chưa nhìn rõ.

ANH CT (1).JPG
Các bé nhận quà từ các nhà hảo tâm – Ảnh: C.Thi


Ở chùa vẫn
còn nhiều bé có cảnh ngộ khác nhau rất đáng thương và đang được chở che, sống hạnh
phúc với nhau trong mái ấm nhỏ. Điều đọng lại trong lòng chúng tôi, là tấm lòng
từ bi, yêu thương của các sư cô đang tu tập tại các ngôi chùa trong vùng còn rất
nhiều khó khăn. Chính tấm lòng đó, đôi bàn tay tận tụy ấy luôn nâng niu, bỏ lại
hết thảy đằng sau những nhọc nhằn vất vả, chạy vạy khắp nơi lo từng miếng cơm,
giọt sữa để nuôi nấng các bé.

Trên hành trình giáo dưỡng các cháu, Sư cô luôn
tri ân lòng tốt của bác sĩ Nguyễn Đông (hiện là Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới
Khánh Hòa), một số nữ hộ sinh, điều dưỡng ở Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa… thường
xuyên đến thăm hỏi, chăm sóc cho các cháu ở chùa. Đặc biệt là bác sĩ Đông thường
xuyên đến khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho các bé ở đây.



Hiện nay, cơ sở vật chất ở chùa Phước Tường vẫn
còn khiêm tốn nhưng nơi ở cho các bé rất sạch sẽ, ngăn nắp. May thay, các bé đã
có ngôi chùa là mái ấm để nương náu và được sống trong vòng tay yêu thương của
các sư cô, sự giúp sức của cộng đồng.

[ad_2]

— Đăng bởi HH —